Là người đặt nền móng cho sự phát triển của cây đàn hương Ấn Độ ở Tây Nguyên, ông Nguyễn Quang Tòa (Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên, tiền thân là Phân viện đàn hương Tây Nguyên) cũng là người đầu tiên “tạo lõi gỗ” cho loài cây quý hiếm này.
Không sinh ra ở Tây Nguyên nhưng ông Nguyễn Quang Tòa (SN 1971, quê Phú Thọ) đã gắn bó với vùng đất Buôn Đôn, Đăk Lăk gần 25 năm nay.
Bởi thế vùng đất đầy nắng và gió này đã trở thành quê hương thứ hai của ông Tòa.
Năm 2015, tình cờ được nghe về cây đàn hương Ấn Độ, ông Toà rất tò mò về loài cây được mệnh danh là “vàng xanh của tự nhiên, vàng ròng trong cuộc sống” này.
Tiếp tục tìm hiểu, ông Toà được biết cây đàn hương Ấn Độ là loài cây lá xanh tốt quanh năm, không những cho bóng mát mà còn cung cấp lượng ô-xi vượt trội và có khả năng lọc không khí rất tốt cho môi trường.
Ngoài ra, loài cây này còn cho ra những chế phẩm rất “hot” trên thị trường thế giới. Chẳng hạn, một kg lõi gỗ đàn hương có giá dao động 250-300 USD, một lít tinh dầu đàn hương có giá 3.000-4.000 USD. Như vậy, với một chu kỳ trồng cây đàn hương 12-15 năm, 1 hecta đất trồng đàn hương có thể đem lại doanh thu hàng triệu USD cho chủ trang trại, chưa kể các nguồn thu phụ từ đàn hương như hoa, lá, búp làm trà, hạt được chiết suất làm tinh dầu chế biến mỹ phẩm dưỡng da.
“Cây đàn hương là cây gì mà vừa tốt cho môi trường, vừa quý và đắt đỏ về giá trị kinh tế như vậy?”, ông Toà tự hỏi.
Nghe danh Tiến sĩ Vũ Thoại, thời điểm đó là Hiệu trưởng một trường cao đẳng công lập ở Hà Nội nhưng cũng là người có nhiều năm học tập và làm việc ở Ấn Độ chính là người đưa cây đàn hương về Việt Nam, ông Toà cùng một nhóm anh em đã từ Tây Nguyên ra Hà Nội để “tầm sư học đạo”.
Cuộc gặp giữa nhóm ông Toà và tiến sĩ Thoại đã đưa ra kết quả ngoài sự tưởng tượng của những người có mặt. Thời điểm đó, Tiến sĩ Thoại đã thành lập Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF) có trụ sở tại Khu công nghệ cao Láng – Hoà Lạc.
Như một duyên lành giữa những người cùng chung chí hướng làm đẹp cho đời, Tiến sĩ Thoại đã đồng ý hỗ trợ ông Toà thành lập Phân viện Tây Nguyên của ISAF. Cùng với đó, Viện đã cung cấp cho ông Toà một số lượng cây để trồng thử trên nhiều địa phương tại tỉnh Đắk Lắk.
Tháng 4/2016, ông Toà chính thức được bổ nhiệm là Phân viện trưởng Phân viện Đàn hương Tây Nguyên. Nơi đây đã trở thành “cánh tay nối dài” của ISAF khi phối hợp triển khai trồng khảo nghiệm cây đàn hương ở nhiều tỉnh thuộc Miền Trung – Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông… Ngoài ra, vườn ươm của Phân viện cũng trở thành địa chỉ độc quyền của ISAF cung cấp cây giống đàn hương “chính hiệu” cho bà con Tây Nguyên.
Trải qua nhiều thành công cũng như thất bại trong quá trình ươm cây giống từ hạt giống cũng như trồng khảo nghiệm cây đàn hương, dưới sự chỉ dẫn và hỗ trợ nhiệt tình của Tiến sĩ Thoại nói riêng và ISAF nói chung, ông Toà đã trở thành “chuyên gia đàn hương” từ lúc nào không hay.
Thậm chí, vườn cây đàn hương khảo nghiệm của ông Toà còn cho ra một kết quả gây chấn động khi cây đàn hương trồng ở Buôn Đôn của ông chưa tới 4 năm đã bắt đầu hình thành lõi gỗ, trong khi ở Ấn Độ phải sớm nhất 7-8 năm mới có thành quả này.
Từ kết quả thuận lợi đó, ông Toà nhận ra rằng: thổ nhưỡng, khí hậu Tây Nguyên rất, rất phù hợp với cây đàn hương!
Được biết, hiện vườn đàn hương “có lõi” này đã được đưa vào diện theo dõi, giám sát đặc biệt của Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm để tiến tới chuẩn hoá thành vườn cung cấp cây giống đầu dòng (nếu đạt chất lượng theo quy định).
Giáo sư, tiến sĩ Ashutosh Srivastate, chuyên gia cao cấp về cây đàn hương Ấn Độ nhận xét: “Sau khi khảo sát, tôi nhận thấy thổ nhưỡng Đắk Lắk rất hợp với cây đàn hương, đặc biệt là những vùng đất cằn như Buôn Đôn, Ea Súp… Đàn hương là cây gỗ bán ký sinh nên trồng xen canh với các cây như: cam, quýt, bơ, mắc ca, cà phê… rất tốt hoặc trồng đàn hương với các cây thảo dược như kim tiền thảo, cây sả để lấy tinh dầu đều mang lại hiệu quả cao”.
Phân tích kỹ thêm về điều này, bằng chính thực nghiệm của bản thân, ông Tòa cho rằng, cây đàn hương có những ưu thế đặc biệt đối với vùng đất Tây Nguyên. Trước hết, nó là cây xen canh. Chính vì thế, việc trồng đàn hương không ảnh hưởng đến những cây khác, đặc biệt là những cây chủ lực của Tây Nguyên. Đàn hương chỉ trồng xen với cà phê (kích thước 6x6m), hay những trụ tiêu xấu, xen với cam, quýt, 2-3 năm đầu có thể thu hoạch cam, quýt trong khi chờ đàn hương phát triển…
Về việc chăm sóc, Tây Nguyên với đặc điểm “quê em hai mùa mưa nắng” thì đàn hương lại tỏ ra rất thích nghi khi việc chăm sóc rất nhàn. “Đàn hương là cây “siêu chịu hạn”, hầu như chỉ mất công tưới nước vào mùa khô trong 1-2 năm đầu khi cây còn nhỏ, sau đó việc chăm sóc không có gì vất vả”, ông Tòa chia sẻ.
Một ưu điểm đặc biệt nữa là đàn hương có thể trồng trên vừng đất sỏi đá, hoang hóa, cằn cỗi. Như vậy, đàn hương không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn rất phù hợp cho định hướng phát triển rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Thực tế, cây đàn hương ở Tây Nguyên đã bắt đầu phát huy được giá trị “đa dụng” của nó, búp làm trà, hạt được tinh chế làm tinh dầu…
“Với những ưu thế như vậy, tôi hy vọng và mong muốn rằng, Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên sẽ là địa bàn trong điểm, là vùng nguyên liệu cây đàn hương chủ lực của cả nước. Nếu có một hướng đi đúng đắn, chắc chắn đàn hương sẽ góp phần quan trong vào việc đem lại lợi ích kinh tế cho bà con Tây Nguyên cũng như làm “thay da đổi thịt” vùng đất này”, ông Tòa tâm sự.
Comments are closed.